Kết quả chiến dịch Chiến_dịch_Phan_Rang_-_Xuân_Lộc

Kết quả chính trị - quân sự

Với bốn tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Hàm Tân và Long Khánh vừa chiếm được, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã kiểm soát 20 tỉnh, chiếm hai phần ba lãnh thổ miền Nam Việt Nam. Không chỉ mất hai vị trí phòng thủ then chốt là Xuân Lộc và Phan Rang, QLVNCH còn mất nốt những lực lượng trù bị chiến lược cuối cùng. Điều đó nói lên thế và lực của quân đội này đã hoàn toàn suy sụp và khả năng Sài Gòn bị Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đánh chiếm chỉ còn là vấn đề của thời gian có thể tính từng ngày. Sáng 18 tháng 4, tướng Nguyễn Văn Toàn, tư lệnh Quân đoàn III đã báo cho tổng thống Nguyễn Văn Thiệu biết tin thua trận, quân đội đang tán loạn và chỉ còn có thể chống đỡ được vài ba ngày.[55] Còn Văn phòng CIA tại Sài Gòn đã đánh một bức điện về Trung tâm CIA với nội dung: "Mọi dấu hiệu cho thấy Cộng sản đã thay đổi kế hoạch thời gian biểu của họ. Có thể họ sẽ tiến công vào khu vực Sài Gòn khoảng giữa tháng Tư. Họ cũng chẳng nhắc đến thương lượng và đả động đến một chính phủ ba thành phần nữa".[56]

Hai cuộc thất trận liên tiếp ở Phan Rang và Xuân Lộc đã gây ra một cơn địa chấn chính trị tại Sài Gòn. Sáng 18 tháng 4, tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đã tiếp một số nhân vật ôn hòa. Họ đều nói cho Nguyễn Văn Thiệu biết rằng thời của ông ta đã hết và họ mong muốn một sự rút lui êm ả. Trong khi đó, tại thượng viện và hạ viện, những người đối lập không giấu giếm ý muốn lấy thủ cấp chính trị của Nguyễn Văn Thiệu. Kể cả phe cực hữu cũng muốn Nguyễn Văn Thiệu phải ra đi. Theo họ, ông ta phải chịu trách nhiệm vì những thất bại quân sự quá chóng vánh vừa qua.[57]

Cũng trong những ngày cuối cùng này, tại cả thượng nghị viện và hạ nghị viện Sài Gòn đều nổ ra những cuộc tranh cãi dữ dội về đối sách của VNCH. Phe hữu kêu gọi phải chiến đấu đến cùng và tin rằng người Mỹ sẽ viện trợ tất cả những gì cần để chống đỡ, để ổn định lại tình hình và thương lượng với cộng sản trên thế mạnh. Phe ôn hòa thì phê phán những người yêu cầu chiến đấu đến cùng là thiếu đầu óc thực tế. Họ cho rằng nếu đã phải thương lượng thì nên thương lượng ngay để tránh một thất bại khủng khiếp, thất bại hoàn toàn cả về quân sự và chính trị. Cho dù cuộc tranh cãi vô vọng ấy vẫn tiếp diễn thì cũng đã có đến sáu nhóm muốn loại bỏ Nguyễn Văn Thiệu khỏi chức vụ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa vì họ đều biết Nguyễn Văn Thiệu là người mà "phía bên kia" không bao giờ chấp nhận nói chuyện:

  • Nhóm quân nhân cao cấp do Nguyễn Cao Kỳ cầm đầu.
  • Nhóm chính trị cấp tiến do tướng Dương Văn Minh làm thủ lĩnh.
  • Nhóm Phật giáo do Thượng tọa Thích Trí Quang lãnh đạo.
  • Nhóm Thiên chúa giáo do Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình lãnh đạo.
  • Nhóm Phong trào cứu nước, cứu vãn hòa bình, đấu tranh chống tham nhũng do linh mục Trần Hữu Thanh lãnh đạo.
  • Nhóm các lực lượng hòa hợp dân tộc do Thượng nghị sĩ Vũ Văn Mẫu đứng đầu.[58]

Tất cả các áp lực trên cùng với sự thua trận về quân sự đã dẫn đến kết quả là 19 giờ tối 21 tháng 4 năm 1975, Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức sau 10 năm ngồi ghế tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Ngay sau đó, Thượng nghị viện đã chỉ định ông Trần Văn Hương giữ chúc vụ này với một nhiệm vụ duy nhất: bằng mọi cách, phải mở được một cuộc đàm phán với đối phương. Nhiều người trách cứ Thiệu là đã ra đi quá muộn, để tình hình quá nát đến mức không còn có thể cứu với được gì. Tuy nhiên, đó không chỉ là lỗi của riêng ông ta. Người muốn giữ Nguyễn Văn Thiệu thêm một thời gian nữa không phải ai khác mà chính là đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin.[59]

Phản ứng của quốc tế

Thắng lợi cùng lúc tại hai mặt trận Xuân Lộc và Phan Rang đã làm cho vai trò của hai đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Ban Liên hợp quân sự bốn bên đóng tại Tân Sơn Nhất trở nên quan trọng. Tại buổi họp thường kỳ vào sáng thứ Bảy (19 tháng 4) ông Võ Đông Giang, đại diện cho Chính phủ Cách mạng lâm thời không những yêu cầu Nguyễn Văn Thiệu phải ra đi mà còn yêu cầu cả đại sứ Martin và các cố vấn quân sự Hoa Kỳ đang mặc thường phục cũng phải ra đi nhưng thường dân Hoa Kỳ thì không bị coi là đồng minh với VNCH. Người đứng đầu CIA tại Sài Gòn, ông Polga thì lại cho đó là tín hiệu cho việc duy trì sự có mặt tối thiểu của Hoa Kỳ cho dù có điều gì xảy ra đi nữa. Và thế là phía Hoa Kỳ bắt đầu một cuộc vận động để Thiệu ra đi càng nhanh càng tốt nhằm lấy chỗ cho một người có thể đứng ra nói chuyện được với đối phương. Trái với những gì Polga đã làm trước đây là tô hồng tình hình để mong có được sự hậu thuẫn từ Washington và động viên Thiệu phần nào; lần này Polga ra lệnh cho cấp dưới làm báo cáo thật đen tối để thuyết phục Thiệu rút lui.[60]

Trong ngày 20 tháng 4, đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin có hai cuộc gặp quan trọng. Buổi sáng, ông gặp Nguyễn Văn Thiệu và nói rõ rằng người Việt Nam cho rằng Nguyễn Văn Thiệu phải chịu trách nhiệm về tình hình này; rằng các tướng lĩnh đều cho rằng phòng thủ là tuyệt vọng trừ phi có được một sự trì hoãn được bắt đầu bằng một cuộc thương lượng với "phía bên kia". Mà để có được điều đó thì ông Thiệu phải ra đi. Đến lúc này, Nguyễn Văn Thiệu vẫn khăng khăng đòi phía Hoa Kỳ đưa không quân can thiệp nhưng ý kiến này đã bị đại sứ Martin bác bỏ thẳng thừng. Martin hứa với Nguyễn Văn Thiệu sẽ bảo đảm cho sự ra đi ấy an toàn, trọn vẹn nếu Thiệu chấp nhận. Buổi chiều, đại sứ Martin gặp đại sứ Cộng hòa Pháp Merillon và đại sứ một số nước đồng minh của Hoa Kỳ để vận động họ ủng hộ giải pháp ngừng chiến để thương lượng. Một cuộc vận động ngoại giao lập tức diễn ra ở một số thủ đô của các nước lớn trên thế giới và đại sứ Martin hy vọng bằng cách này, có thể giúp VNCH có thời gian ổn định tình hình, giữ được phần đất còn lại trong một cuộc mặc cả chính trị.[61]

Tuy nhiên, thời gian không còn nhiều. Và điều oái oăm là chính giới Sài Gòn khi đó lại chọn Trần Văn Hương, người cùng phe với Nguyễn Văn Thiệu vào ghế tổng thống. Mặc dù ngay khi nhậm chức, ông này kêu gọi: "chấp thuận ngừng bắn, lập một hội đồng quốc gia ba thành phần trong đó có sự tham gia của cộng sản"; mặc dù Bộ trưởng thông tin VNCH Phan Hòa Hiệp đã đến Tân Sơn Nhất gặp hai phái đoàn của "phía bên kia" để thông báo lệnh của chính phủ VNCH thả một số tù chính trị, đồng thời cử một người trung gian ra Hà Nội để "trao đổi quan điểm" nhưng VNDCCH đã bác bỏ tất cả những đề nghị đó. Ngày 23 tháng 4, Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam truyền đi một bài xã luận, trong đó nêu rõ rằng đây là sự duy trì tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu mà không có Thiệu; đồng thời nói rõ thời hạn rút các cố vấn Mỹ đã sắp cạn, có thể chỉ còn vài ba ngày, thậm chí là 24 giờ tới. Tiếng nổ của những trái hỏa tiễn và đạn pháo 130 mm của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam nã vào sân bay Tân Sơn Nhất sáng sớm ngày 24 tháng 4 năm 1975 đã chứng tỏ Hà Nội không nói suông.[62] Tuy nhiên, cả đại sứ Hoa Kỳ Martin và đại sứ Pháp Merillon vẫn bám vào một niềm tin vô vọng là cho đến phút cuối cùng, Bắc Kinh sẽ lên tiếng để chặn tay Hà Nội trước cửa ngõ Sài Gòn, để cho VNCH tiếp tục tồn tại.[63]